DỮ LIỆU LỚN TRONG HÀNH TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ

DỮ LIỆU LỚN TRONG HÀNH TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ

 

Chuyển đổi số (Digital Transformation – DX) là một trong số các thuật ngữ được nhắc nhiều nhất trong vài năm qua. Chuyển đổi số được gắn với nhiều tên gọi thật mỹ miều và có lẻ phổ biến nhất vẫn là cụm từ “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Cuộc cách mạng công nghiệp lần đầu tiên cho phép con người làm chủ cơ học; cuộc cách mạng công nghiệp lần hai khai thác sức mạnh của năng lượng điện và dây chuyền sản xuất hàng loạt và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba là kỷ nguyên của các loại máy tính, internet và tự động hóa. Chuyển đổi số đang được xem là “xương sống” của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và ở kỷ nguyên này chúng ta sẽ làm chủ sức mạnh về trí óc.

 

Ở cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, tác động của Internet và làn sóng ứng dụng công nghệ số mang lại chủ yếu là số hóa các năng lực hiện có. Nó có thể được hiểu đơn giản như là giao việc cho một loại nhân viên mới: máy tính. Chuyển đổi số bắt nguồn từ sự giao thoa giữa điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Bigdata), kết nối vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI). Một số ý kiến cho rằng chuyển đổi số là sức mạnh của công nghệ số áp dụng vào mọi khía cạnh của tổ chức. Một số khác thì nhắc đến nó như là việc áp dụng của công nghệ số và sử dụng các phân tích nâng cao nhằm tạo ra giá trị kinh kế, sự linh hoạt và tốc độ. Và điều chúng ta cần phải hiểu đúng rằng, chuyển đổi số không phải là sự nâng cấp liên tục của thế hệ công nghệ thông tin hay chỉ đơn giản là số hóa qui trình, dữ liệu và thông tin. Như Brian Solis, chuyên gia phân tích ngành của tập đoàn Altimet viết: “Đầu tư vào công nghệ không đồng nghĩa với chuyển đổi số”, cũng như chuyên gia chiến lược về công nghệ và nhà phân tích ngành kỳ cựu Dion Hinchcliffe cho rằng: “Số hóa là sử dụng công cụ kỹ thuật số để tự động hóa và cải thiện cách làm việc hiện tại mà không thực sự làm thay đổi bản chất của nó hay tạo ra luật chơi mới”. Còn “chuyển đổi số là một quá trình sâu thành bướm, biến đổi uyển chuyển từ một cách làm hiện tại sang một cách làm khác biệt, trong một số trường hợp thay thế hoàn toàn các bộ phận của doanh nghiệp và cách thức vận hành để thu được nhiều giá trị hơn so với kiểu kinh doanh quy mô nhỏ, đòn bẫy thấp.”

 

Do vậy, nếu chỉ đầu tư vào công nghệ nhằm số hóa các chức năng và quá trình hiện tại thì không đủ để chuyển đổi số thực sự một doanh nghiệp hay cả một ngành. Nó là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Chuyển đổi số đòi hỏi sự thay đổi mang tính cách mạng đối với các quá trình cạnh tranh then chốt của doanh nghiệp. Tương tự như hai làn sóng trước (nâng cao ứng dụng công nghệ số và internet), chuyển đổi số cũng mang lại những lợi ích về mặt năng suất, nhưng theo một cách rất khác. Và đến thời điểm hiện tại, có thể kết luận rằng bản chất của chuyển đổi số là sự hội tụ của bốn loại công nghệ đột phá gồm: điện toán đám mây, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo.

 

Dữ liệu lớn đang xâm nhập vào tất cả các khía cạnh của kinh doanh, giải trí và xã hội. Thuật ngữ "dữ liệu lớn" xuất hiện lần đầu tiên cách đây 15 năm để đặt tên cho khối lượng dữ liệu ngày càng lớn, đa dạng và phức tạp mà không thể dễ dàng quản lý bằng các phương pháp quản lý dữ liệu truyền thống.  Và theo Gartner định nghĩa phân tích dữ liệu lớn là “Kiểm tra tự trị hoặc bán tự trị đối với dữ liệu hoặc nội dung bằng cách sử dụng các kỹ thuật và công cụ tinh vi, thường vượt ra ngoài các kỹ thuật và công cụ kinh doanh thông minh truyền thống, để khám phá thông tin chi tiết sâu hơn, đưa ra dự đoán hoặc đưa ra các đề xuất. Các kỹ thuật phân tích nâng cao bao gồm những kỹ thuật như khai thác dữ liệu/văn bản, học máy, đối sánh mẫu, dự báo, trực quan hóa, phân tích ngữ nghĩa, phân tích cảm xúc, phân tích mạng, thống kê đa biến, phân tích đồ thị, mô phỏng, xử lý sự kiện phức tạp, mạng nơ-ron.”

 

Trong những năm gần đây, khi quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tăng lên, dữ liệu lớn đã nổi lên như một nguồn nhiên liệu chính cho hành trình này. Rahul Singh, giám đốc điều hành của công ty tư vấn chuyển đổi dịch vụ kinh doanh và công nghệ thông tin Pace Harmon, cho biết: “Khả năng phân tích lượng lớn dữ liệu có cấu trúc và dữ liệu phi cấu trúc để có được thông tin chi tiết, thường là theo thời gian thực, là nền tảng cho hầu hết các nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số, vì thông tin chi tiết thu được thông qua phân tích dữ liệu lớn được sử dụng để thúc đẩy số hóa và tự động hóa quy trình làm việc”. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số nổi lên một phần khi các tổ chức tìm cách tận dụng tốt nhất loạt tài sản dữ liệu ngày càng tăng này. Todd Wright, người đứng đầu bộ phận quản lý dữ liệu tại SAS giải thích: “Chuyển đổi kỹ thuật số là chuyển đổi tổ chức của bạn để đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu và dữ liệu lớn là khả năng thu thập tất cả dữ liệu có sẵn mà một tổ chức có thể sản xuất hoặc tiêu thụ”. Việc nắm bắt tất cả dữ liệu có sẵn - dữ liệu lớn - là điều cần thiết cho các nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số.”

 

Như vậy, chúng ta có thể thấy dữ liệu lớn đang là một nguồn tài nguyên quan trọng với một sức mạnh vừa khiến ngộp thở nhưng cũng vừa tạo ra cuộc cách mạng. Nhiên liệu cung cấp năng lượng cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số này chính là dữ liệu lớn. Như Prashant Kelker, đối tác về chiến lược và giải pháp kỹ thuật số tại công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ ISG, nói: “Chuyển đổi kỹ thuật số là con đường. Dữ liệu lớn là một trong những phương tiện”.

 

Dữ liệu lớn ở mức tốt nhất, có thể chiếu sáng những góc tối của doanh nghiệp. Wright của SAS cho biết: “Một lượng lớn dữ liệu được quản lý tốt sẽ mang lại hiểu biết tốt hơn về hoạt động, khách hàng và thị trường khi được tích hợp trong một chương trình phân tích hoặc lập trình AI”. “Điểm mấu chốt là để chuyển đổi kỹ thuật số thực sự thành công và đạt được thông tin chi tiết tốt nhất cho các mục tiêu kinh doanh, càng nhiều dữ liệu càng tốt là điều cần thiết”. Dữ liệu lớn tự nó là vô dụng nếu không có một ý tưởng hoặc chương trình được suy nghĩ kỹ lưỡng để tận dụng nó. Wright của SAS cho biết: “Chuyển đổi kỹ thuật số cung cấp ý tưởng và chương trình đó.” Khi cả hai hội tụ, sự thay đổi thực sự có thể xảy ra. Ronak Doshi, phó chủ tịch của công ty nghiên cứu và tư vấn quản lý Everest Group, nói rằng “Giá trị kinh doanh (hoặc lợi tức đầu tư) mà một doanh nghiệp có thể tạo ra từ các khoản đầu tư của họ vào nền tảng năng lực kỹ thuật số sẽ phụ thuộc vào khả năng khai thác giá trị dữ liệu của họ”.

 

Hiện nay các khóa học, chương trình đào tạo, hội thảo nói về chuyển đổi số thường hướng đến một cái kết mở, đưa ra một hàm ý quan trọng về chuyển đổi số: bản chất tự nhiên vốn có là sự thay đổi liên tục. Giáo sư Gerald Kane của trường đại học Boston viết “Chuyển đổi số là một quá trình không bao giờ có hồi kết, ít nhất là trong lương lai gần”. Chúng ta khó dự đoán chính xác cách thức và lĩnh vực mà chuyển đổi số sẽ xâm nhập, nhưng chúng ta có thể nhận biết được rằng qui mô thay đổi sẽ rất ấn tượng. Chuyển đổi số sẽ có tác động lớn, và những cấu phần của một cấu trúc công nghệ giúp thúc đẩy chuyển đổi số hiện đã có sẵn, rất khả thi và có thể tiếp cận được, đó là: điện toán đám mây, dữ liệu lớn, AI và IoT. Chúng hứa hẹn sẽ biến đổi môi trường kỹ thuật với cấp độ tương tự. Doanh nghiệp nào tìm ra phương thức hấp thụ dữ liệu lớn bằng cách khai thác công nghệ điện toán đám mây, AI, và IoT sẽ được xếp vào nhóm doanh nghiệp thoát ra khỏi “đại dương dữ liệu” và trở thành người cai quản số.

 

Nội dung bài viết được trích từ các tài liệu:

 

1. Thomas M. Siebel (Phạm Anh Tuấn dịch), Chuyển đổi số - Sống sót và bức phá trong kỷ nguyên sụp đổ hàng loạt.

2. https://www.europeanbusinessreview.com/the-role-of-big-data-in-digital-transformation/

3. https://www.comidor.com/blog/cloud-technology/big-data-analytics-in-digital-transformation/

4. https://enterprisersproject.com/article/2020/8/how-big-data-aids-digital-transformation

5. https://www.atscale.com/blog/digital-transformation-its-still-the-driver-of-big-data-analytics-for-the-data-driven-enterprise/

6. https://www.computerweekly.com/opinion/Big-data-put-to-work-in-digital-transformation-strategies

 

PhD Nguyen Tran Minh Thu

    (グェン チャン ミン トゥ)

    CTO of R&D Center